Trung tâm đào tạo thiết kế vi mạch Semicon


  • ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN ĐỂ TRUY CẬP NHIỀU TÀI LIỆU HƠN!
  • Đăng ký
    *
    *
    *
    *
    *
    Fields marked with an asterisk (*) are required.
semicon_lab.jpg

Tín hiệu khả quan về nhân lực vi mạch

Tín hiệu khả quan về nhân lực vi mạch

Nhân lực vi mạch là yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển của nền công nghiệp này. Trước đây, việc đào tạo nguồn nhân lực vi mạch gặp khá nhiều khó khăn và bất cập vì thiếu giảng viên, giáo trình và cả những phòng thực hành để học viên tiếp cận thực tế.

Tăng cường đào tạo nhân lực

Đào tạo nhân lực vi mạch là một trong những mục tiêu trọng điểm trong Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TP.HCM giai đoạn 2013-2020 được triển khai trong vòng 8 năm với tổng vốn đầu tư lên tới trên 8.000 tỉ đồng. Chương trình nhằm phát triển công nghiệp vi mạch điện tử TP trở thành ngành kinh tế chủ lực, tăng trưởng 20% - 30%/năm. Đào tạo 10.000 kỹ sư trong lĩnh vực công nghệ cao, 500 cán bộ chủ chốt, hướng đến sản xuất các sản phẩm thương mại phục vụ nhu cầu cụ thể trong nước.

Tín hiệu khả quan về nhân lực vi mạch

Nghiên cứu chế tạo chip vi mạch tại Khu Công nghệ cao TPHCM

Để đáp ứng nhu cầu về nhân lực vi mạch, việc đào tạo đã được chú trọng từ năm 2007. Chương trình được xây dựng và giảng dạy bởi những giáo sư hàng đầu trong và ngoài nước, cố vấn chương trình là GS.TS Đặng Lương Mô- cha đẻ của ngành Vi mạch Việt Nam. Trường Đại học Khoa học Tự nhiên- ĐHQG TP.HCM đã mở các chương trình đào tạo Thạc sỹ và Tiến sĩ ngành Điện tử- Viễn thông theo hướng vi điện tử, điện tử nano. Sinh viên và Học viên được đào tạo bài bản theo hướng vi điện tử bao gồm: Thiết kế vi mạch và Sản xuất vi mạch bởi Chương trình cung cấp kiến thức nâng cao về vật lý linh kiện điện tử, kỹ năng thiết kế vi mạch và công nghệ sản xuất.

Trường Đại học Bách Khoa- ĐHQG TP.HCM là một trong những cơ sở giáo dục đầu tiên ký biên bản phối hợp với trung tâm ICDREC nhằm đưa hướng thiết kế vi mạch và ứng dụng vào trong chương trình đào tạo thạc sĩ ngành Kỹ thuật Điện tử. Ngoài ra, Đại học Công nghệ thông tin- ĐHQG TP.HCM cũng đã đưa những môn học về thiết kế vi mạch… vào chương trình đào tạo đại học và sau đại học ngành Kỹ thuật Máy tính, Kỹ thuật phần mềm.

Cần một hướng đi mới

Theo số liệu thống kê, mỗi năm có khoảng 7.000 kỹ sư được đào tạo trong lĩnh vực điện tử, nguồn nhân lực vi mạch mà các trường đại học cung cấp khoảng 100 nhân lực. Như vậy, nhân lực cung ứng cho vi mạch thì chỉ chiếm khoảng 1,42%. Đây là con số quá ít ỏi với nhu cầu nhân lực để có thể phát triển ngành công nghiệp vi mạch. Với các chương trình phát triển vi mạch được xây dựng thì cần có 2.000 nhân lực mới đáp ứng được nhu cầu phát triển vi mạch của nước ta.

Để có thể tranh thủ sự hỗ trợ và hợp tác của các Hiệp hội khoa học công nghệ trên thế giới trong sự nghiệp phát triển vi mạch nước nhà, Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TP.HCM (HSIA) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về trao đổi học thuật và kinh nghiệm với Hội Công nghệ thiết bị và vật liệu bán dẫn quốc tế (SEMI) nhằm hỗ trợ, hợp tác, thúc đẩy sự phát triển của ngành vi mạch bán dẫn, đồng thời nâng cao chất lượng của nhân lực vi mạch.

Theo đề xuất của các chuyên gia, thay vì việc cứ cử một số kỹ sư sang nước ngoài học tập thì nên chăng đầu tư cho việc mời giáo viên nước ngoài về giảng dạy tại đất nước? Với một giáo viên nước ngoài thỉnh giảng có thể giảng dạy từ 60- 70 kỹ sư. Như vậy, số người được đào tạo sẽ nhiều hơn lại tiết kiệm được chi phí. Trong khi việc cử kỹ sư ra nước ngoài học tập thì số lượng giới hạn, chi phí lại rất cao so với việc thỉnh giảng giáo viên nước ngoài.

Nhân lực vi mạch Việt Nam hiện đang còn thiếu nhưng trong tương lai gần, với tiến độ và được sự quan tâm đầu tư như hiện nay thì chắc chắn nhân lực vi mạch sẽ không ngừng phát triển và lớn mạnh hơn nữa về chất lượng và số lượng. Và nếu được quan tâm đầu tư đúng mức, trong thời gian sắp tới, nguồn nhân lực vi mạch sẽ không ngừng phát triển và sớm đáp ứng được nhu cầu về nhân lực của đất nước.

Mộc Miên

 

 

Latest IC Design Articles

Related Articles

Most Read IC Design Articles

Chat Zalo