Trung tâm đào tạo thiết kế vi mạch Semicon


  • ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN ĐỂ TRUY CẬP NHIỀU TÀI LIỆU HƠN!
  • Đăng ký
    *
    *
    *
    *
    *
    Fields marked with an asterisk (*) are required.
wafer.jpg

Đẩy mạnh công nghệ vi mạch góp phần tổng hợp sức mạnh CNTT

 

     Đó là điều mà nhiều nhà khoa học khẳng định nên chú trọng để tiếp tục phát triển mạnh lĩnh vực CNTT trong tương lai tại hội thảo về công nghệ vi mạch do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức ngày 17 và 18/6 vừa qua.

Công nghệ vi mạch là lĩnh vực góp phần rất đáng kể vào tổng sản lượng quốc gia của nhiều nước trên thế giới. Bên cạnh đó, còn là động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghệ khác trong cơ giới hóa và điện tử hóa vì hầu như tất cả các thiết bị hiện dùng đều có sự hiện diện của vi mạch bên trong. Doanh thu từ lĩnh vực vi mạch, bán dẫn của thế giới được dự đoán chiếm đến 35% tổng doanh thu toàn ngành điện tử vào năm 2010 (khoảng 350 tỷ USD/1.000 tỷ USD) và tiếp tục gia tăng ở mức 6,1%/năm. Tại Nhật Bản thu nhập của thiết kê vi mạch mang lại 30-40% GDP.
Ở Việt Nam, ngành công nghiệp bán dẫn được các chuyên gia đánh giá là chỉ mới ở bước khởi đầu. Việt Nam chỉ mới bắt đầu thiết kế vi mạch nhưng phải sử dụng các phần mềm chuyên nghiệp thuê bao từ nước ngoài. Theo ước tính của các chuyên gia, thị trường Việt Nam đến năm 2012 sẽ tiêu thụ khoảng 1,9 tỷ USD các sản phẩm từ công nghiệp vi mạch bán dẫn, nhưng hiện nay vẫn chưa có nhà máy nào ở Việt Nam được tổ chức xây dựng một cách bài bản và chuyên nghiệp để sản xuất các mặt hàng này. Vì vậy để phát triển tương xứng với tiềm năng và mang lại doanh số cao thì cần phải chú trọng hơn nữa việc đẩy mạnh phát triển hoạt động thiết kế vi mạch, bán dẫn. Đồng thời, đây cũng là biện pháp góp phần tổng hợp sức mạnh cho ngành CNTT Việt Nam đang trên đà phát triển.
Ông Lê Hoài Quốc - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nhấn mạnh phát triển công nghiệp thiết kế vi mạch chính là chìa khóa cho sự phát triển có chiều sâu không chỉ cho ngành CNTT và tự động hóa mà còn là yếu tố góp phần phát triển ở hầu hết các nước. Hiện nhiều nước trong đó có Việt Nam đã quan tâm nhiều hơn đến hoạt động phát triển lĩnh vực này. Phát triển đúng mức sẽ cùng các yếu tố khác tạo nên sức mạnh tổng hợp cho toàn ngành CNTT-TT phát triển nhanh và mạnh trong tương lai.
Tiến sĩ Phạm Bá Tuân, Phó Chủ tịch Tập đoàn Em Microelectric Marin Sa đã đưa ra đề xuất: Việt Nam có thể xây dựng nhà máy sản xuất chip cho ngành công nghiệp bán dẫn cùng với các chuỗi cung ứng liên quan. Đây sẽ là động lực quan trọng để chuyển từ nền công nghiệp thâm dụng lao động sang một nền công nghiệp kỹ thuật cao. Theo ông Tuân, Việt Nam có lợi thế về nhân lực trẻ, dồi dào, từng bước đào tạo chuyên nghiệp và đạt nhiều giải thưởng cao về thiết kế vi mạch trên thế giới. Đồng thời, sự gia tăng về mức tiêu thụ bán dẫn, về các dịch vụ ngành công nghệ điện tử nói chung và về doanh thu của các công ty điện tử kinh doanh theo hướng OEM (Original Equipment Manufacturer) gợi mở về nhu cầu thành lập một nhà máy sản xuất chíp điện tử (IC) tại Việt Nam để phục vụ việc sản xuất và chế tạo các sản phẩm bán dẫn trong nước. Việc xây dựng nhà máy có chi phí vào khoảng 200 triệu USD, có khả năng sản xuất ra từ 400 tới 600 triệu chip mỗi năm và hướng tới mục tiêu doanh thu 100 triệu USD. Nhà máy này sẽ đóng vai trò quan trọng trong bức tranh công nghiệp của Việt Nam và góp phần huấn luyện, tạo ra các kỹ sư được trang bị kỹ năng về bán dẫn. Ngoài ra, giúp ngành công nghiệp thiết kế bán dẫn còn non trẻ của Việt Nam phát triển khả năng thiết kế và làm việc với các công ty về kiểm tra và đóng gói ở Việt Nam để phối hợp cung cấp trọn gói các dịch vụ về sản xuất bán dẫn”. Cũng theo ông Tuân khi đã làm chủ công nghệ bán dẫn thì các ngành công nghệ khác như pin mặt trời, LED hay LCD có thể được thiết lập và phát triển ở Việt Nam - những ngành công nghệ phù hợp với định hướng bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, để phát triển lĩnh vực này, bên cạnh việc hoạch định chiến lược phù hợp thì cần có những chính sách cụ thể và nguồn vốn nhất định. Ông Rino Choi- Đại học Inha Hàn Quốc cho biết, Việt Nam cần phải có sự hợp tác với các đối tác nước ngoài về nguồn vốn và công nghệ thực hiện để tận dụng, tổng hợp nhiều nguồn lực cho phát triển. Bên cạnh đó, cần đầu tư đúng mức cho nghiên cứu phát triển công nghệ và chương trình đào tạo, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các trung tâm phát triển vi mạch với các trường đại học trong nước nhằm tạo ra nguồn nhân lực chuyên nghiệp, quan trọng nhất là nhận được sự hỗ trợ có hệ thống từ chính phủ để phát triển và chiếm lĩnh thị trường./.

Lê Anh

Trích

 

Latest IC Design Articles

Related Articles

Most Read IC Design Articles

Chat Zalo