Trung tâm đào tạo thiết kế vi mạch Semicon


  • ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN ĐỂ TRUY CẬP NHIỀU TÀI LIỆU HƠN!
  • Đăng ký
    *
    *
    *
    *
    *
    Fields marked with an asterisk (*) are required.
wafer.jpg

Phát triển công nghiệp vi mạch… chỉ đợi quyết tâm

Phát triển công nghiệp vi mạch… chỉ đợi quyết tâm

 

Việt Nam có nhiều thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp vi mạch như: thị trường trong nước lớn, lao động trẻ, nền giáo dục phổ cập và ổn định xã hội.

 

 

>> HCM Hoàn thiện Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch

GS.TSKH Đặng Lương Mô, Chủ tịch danh dự Hội Công nghệ Vi mạch bán dẫn TPHCM tin tưởng ngành công nghiệp vi mạch chắc chắn sẽ hình thành tại Việt Nam.

Phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc phỏng vấn GS.TSKH Đặng Lương Mô về các vấn đề liên quan đến ngành công nghiệp vi mạch Việt Nam, cũng như Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch giai đoạn 2013 – 2020 của TPHCM.

 Phát triển công nghiệp vi mạch… chỉ đợi quyết tâm

GS.TSKH Đặng Lương Mô. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Ngành công nghiệp vi mạch có ý nghĩa như thế nào đối với phát triển khoa học và kinh tế, an ninh - quốc phòng, thưa Giáo sư?

GS.TSKH Đặng Lương Mô: Công nghệ vi mạch là công nghệ cao, hàm chứa sự phát triển đột phá về khoa học công nghệ với những kế hoạch nghiên cứu phát triển quy mô lên tới vài tỷ, thậm chí vài chục tỷ USD. Thành tựu của ngành công nghiệp vi mạch có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển công nghiệp, tăng trưởng kinh tế, lan tỏa lớn đến nhiều lĩnh vực.

Nếu xây dựng được ngành công nghiệp vi mạch, chúng ta sẽ giảm phụ thuộc vào nhập khẩu linh kiện vi mạch bán dẫn dùng cho công nghiệp  điện tử, viễn thông và cả những thiết bị phục vụ cho an ninh quốc phòng.

Các nước như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc… sau khi phát triển được ngành công nghiệp vi mạch, nền kinh tế của họ đã phát triển nhanh chóng, khoa học và giáo dục  đạt được sự phát triển đột phá. 

Đối với một nước mà khoa học công nghệ còn hạn chế như Việt Nam, việc phát triển ngành công nghiệp vi mạch sẽ gặp những khó khăn gì?

GS.TSKH Đặng Lương Mô: Chúng ta có nhiều khó khăn trong phát triển khoa học công nghệ chứ không riêng gì với công nghiệp vi mạch bán dẫn. Tuy nhiên, xung quanh chúng ta, nhiều nước đã thành công trong phát triển công nghiệp vi mạch mà nền tảng về khoa học công nghệ cũng tương tự như chúng ta ngày nay.

Chúng ta lại có nhiều thuận lợi như thị trường trong nước lớn; lao động trẻ và nền giáo dục phổ cập tạo lợi thế về nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp vi mạch. Quan trọng hơn là ổn định xã hội, điều kiện không chỉ để phát triển công nghiệp vi mạch mà còn là yếu tố cơ bản thu hút đầu tư nước ngoài.

Giáo sư đánh giá như thế nào về phát triển công nghiệp vi mạch giai đoạn 2013 - 2020 của TP Hồ Chí Minh?

GS.TSKH Đặng Lương Mô: Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch của TPHCM giai đoạn 2013-2020 được soạn thảo khá tốt, có quy mô bao trùm từ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tới phổ cập công nghệ thiết kế, ứng dụng vi mạch để tạo ra những dòng sản phẩm đặc trưng, xây dựng nhà máy chế tạo vi mạch...

Tuy nhiên, đi vào từng chi tiết, có lẽ cần chỉnh sửa trước khi đưa vào thực thi, nhất là đối với dự án nhà máy chế tạo vi mạch.

Về thiết kế vi mạch, dù sao chúng ta cũng đã có ít nhiều kinh nghiệm và thành tích, song vẫn cần chuẩn bị chu đáo hơn, tỉnh táo hơn trong lựa chọn công nghệ và đối tác trong chiến lược từ việc xây dựng nhà máy tới hợp tác đào tạo, nghiên cứu phát triển và  khai thác thị trường...

Vậy theo Giáo sư, hiện nguồn nhân lực trong nước có thể đáp ứng được yêu cầu khi nhà máy này đi vào hoạt động?

GS.TSKH Đặng Lương Mô: Không riêng gì công nghiệp vi mạch, với bất cứ ngành công nghiệp nào, vấn đề mấu chốt vẫn là yếu tố con người. Nhân lực tốt sẽ có công nghệ tốt, có sản phẩm tốt. Công nghệ tốt chẳng phải từ trên trời rơi xuống, mà chính là kết quả lao động sáng tạo của con người.

Về nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp vi mạch, chúng ta đã có một phần, tập trung vào khâu thiết kế. Như  vậy, chúng ta cần đào tạo thêm và gấp rút để cung ứng cho nhu cầu sắp tới.

Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch của TPHCM cũng bao gồm dự án đào tạo nguồn nhân lực. Ngoài ra, chúng ta còn nguồn nhân lực dồi dào là Việt kiều, hiện đang làm việc trong ngành công nghiệp vi mạch của các nước phát triển.

Liệu Việt Nam có thể cạnh tranh được trong lĩnh vực vi mạch không, thưa Giáo sư? 

GS.TSKH Đặng Lương Mô: Mọi ngành công nghiệp, khi phát triển đều đóng góp vào xuất khẩu và quan trọng hơn để cạnh tranh với các nước khác.

Nhật Bản, trong những năm 1970, khi phát triển công nghiệp vi mạch, quy mô dân số cũng tương tự như  Việt Nam hiện nay. Hàn Quốc, khi phát triển công nghiệp vi mạch nói riêng, trong thập kỷ 1980, dân số không bằng một nửa Việt Nam ngày nay.

Khi phát triển một ngành công nghiệp mới, trước hết phải trông cậy vào nhu cầu trong nước để tồn tại, rồi mới nhìn ra nước ngoài để xuất khẩu và tăng trưởng.

Giáo sư có thể cho biết kinh nghiệm của Nhật Bản mà Việt Nam có thể học tập để phát triển ngành công nghiệp vi mạch?

GS.TSKH Đặng Lương Mô: Qua kinh nghiệm từ quá trình phát triển công nghiệp vi mạch của Nhật Bản và Hàn Quốc, theo tôi, để phát triển công nghiệp vi mạch, chúng ta không nên nóng vội, mà cần chuẩn bị đầy đủ thực lực. Phải trả lời được một số câu hỏi như: quy mô và công nghệ lựa chọn, nguồn nhân lực, thị trường cho ngành công nghiệp này ở đâu, chẳng hạn như chúng ta hướng vào các sản phẩm phục vụ gia đình, y tế, giáo dục, nhất là các lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế, phân tích, dự báo được hiệu quả kinh tế của chương trình.

Người Việt Nam cần cù, hiếu học. Nay có quốc sách xây dựng ngành công nghiệp vi mạch và với sự quan tâm của giới công nghiệp Nhật Bản, dù gieo hạt muộn màng nhưng tôi tin công nghiệp vi mạch chắc chắn sẽ  hình thành tại Việt Nam. Chúng ta có gần đủ các yếu tố để phát triển công nghiệp vi mạch, chỉ còn quyết tâm của chúng ta đến đâu.

Xin cảm ơn Giáo sư!

 

GS.TSKH Đặng Lương Mô sinh năm 1936 tại Kiến An, Hải Phòng. Năm 1957, ông nhận học bổng của Chính phủ Nhật Bản sang học ngành điện tử. Tốt nghiệp Đại học Tokyo năm 1962, ông lấy bằng Thạc sĩ năm 1964 và năm 1968 ông bảo vệ thành công luận án TSKH tại đây. Từ năm 1983 - 2002, ông giảng dạy tại Trường Đại học Hosei, Tokyo, Nhật Bản.

Năm 2002, về Việt Nam định cư, từ đó, ông đã tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Bách khoa TP HCM. Ông là người đặt nền móng cho sự ra đời của Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC), Phòng Nghiên cứu Thiết kế và Mô phỏng vi mạch và Chương trình đào tạo sau đại học hướng vi điện tử trực (Đại học Quốc gia TP HCM). Hiện  ông là cố vấn của Đại học Quốc gia TPHCM, Chủ tịch danh dự Hội Công nghệ Vi mạch bán dẫn TPHCM.

Ông có khoảng 300 công trình nghiên cứu và 12 bằng phát minh, sáng chế được công nhận trên thế giới.

 

Theo Chinhphu.vn

 

 

Latest IC Design Articles

Related Articles

Most Read IC Design Articles

Chat Zalo