Trung tâm đào tạo thiết kế vi mạch Semicon


  • ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN ĐỂ TRUY CẬP NHIỀU TÀI LIỆU HƠN!
  • Đăng ký
    *
    *
    *
    *
    *
    Fields marked with an asterisk (*) are required.
semicon_lab.jpg

Cuộc sống là những dấu cộng thêm

  

     Sự nghiệp của ông Arnaud de Villeneuve gắn liền với tên tuổi của những tập đoàn danh tiếng thế giới như Gillette, BMW, Canal+..., nhưng điểm dừng mà ông hướng đến luôn là những quốc gia đang phát triển.

 Sống ở Hà Nội, đối mặt với nạn kẹt xe, bán hàng không lịch sự..., nhưng người đàn ông này vẫn tỏ ra rất thoải mái khi nói về những phiền phức gặp phải trong cuộc sống. Ông bảo, công việc nhiều đến mức không có cả thời gian để đùa, nên ông cố gắng giữ sự tươi tắn bằng nụ cười thường trực trên môi...

Cẩn trọng trong mọi việc

* Hơn 20 năm làm việc tại Canal Overseas, chi nhánh thuộc Tập đoàn Canal+, có phải là khoảng thời gian quá dài không, thưa ông?

- Tôi gắn bó với Canal+ không phải vì đây là một tập đoàn truyền hình lớn của thế giới, mà vì tình cảm của tôi với Tập đoàn. Tôi đã từng có một công ty riêng và điều hành hơn mười năm. Sau khi công ty này sát nhập với một công ty khác, tôi không điều hành nữa, mà đầu quân về Tập đoàn Canal+.

Ngày đó, Canal+ chú trọng phát triển thị trường ở các quốc gia, vùng lãnh thổ nhỏ... nên tôi quyết định thử thách mình. Đã từng làm chủ doanh nghiệp nên tôi điều hành những dự án do mình đảm nhiệm với suy nghĩ đó chính là nguồn vốn của mình, chứ không phải là thử nghiệm với vốn đầu tư của một tập đoàn, và cũng không bao giờ nghĩ mình là người làm công ăn lương. Đến với những thị trường đang phát triển cũng là cách tốt nhất để có được vốn sống.

* Kinh doanh truyền hình trả tiền, nhưng lại đến những nước nhỏ... điều này có nghịch lý không, thưa ông?

- Khái niệm truyền hình vệ tinh còn tương đối mới ở các nước châu Á, nhưng với thị trường châu Âu thì lĩnh vực này đã bão hòa, tăng trưởng mỗi năm chỉ ở mức 0 - 2%, thế nên cuộc chiến giành thị phần ở đó rất khốc liệt. Và đây chính là lý do khiến các nhà cung cấp phải tìm thêm thị trường mới. Châu Á là lục địa nhiều tiềm năng và phát triển khá ổn định, thị trường cũng đang tăng mạnh.

* Mất hơn bốn năm có mặt tại Việt Nam chỉ để thuyết phục các ban, ngành, và thành quả lớn nhất mà ông đạt được là dự án hệ thống truyền hình vệ tinh được triển khai. Điều này đối với ông có đắt giá quá không?

- Trong số các quốc gia thuộc khối ASEAN, Việt Nam là thị trường rất hấp dẫn trong lĩnh vực nghe, nhìn. Không chỉ vì dân số trẻ, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, mà còn vì yếu tố tâm lý. Đặc biệt, thanh niên Việt Nam có nhu cầu được nghe, được biết và được hưởng thụ giống với thanh niên thế giới. Mất thời gian cho một thị trường đầy tiềm năng như thế, tôi nghĩ cái giá đó cũng không đắt!

 

 

* Nhưng tác phong công nghiệp của một người nước ngoài, như ông chẳng hạn, thể hiện ở đặc điểm rất quý trọng thời gian. Điều này có đúng không, thưa ông?

- Đúng! Lúc đầu chúng tôi cũng rất băn khoăn khi phải mất quá nhiều thời gian để thực hiện các thủ tục hành chính cho việc cấp phép đầu tư. Thế nhưng, càng về sau mới càng thấy sự nghiêm túc và cẩn trọng đến từng chi tiết của các cơ quan quản lý Việt Nam là cần thiết. Có lẽ, đây cũng là cách Việt Nam thử thách lòng kiên nhẫn của nhà đầu tư nước ngoài, hơn nữa còn là vì liên doanh VTV và Canal Group là liên doanh đầu tiên trong lĩnh vực truyền hình tại Việt Nam. Chúng tôi vẫn nói với nhau, đây là thử thách phải vượt qua khi muốn kinh doanh tại đất nước này! Và kiên nhẫn là cách tốt nhất để thành công!

* Đã làm việc tại nhiều nước và khu vực trên thế giới như Tây Phi và đặc biệt là tại Sénégal, châu Âu và Ba Lan..., ông mang theo kinh nghiệm gì khi đến Việt Nam?

- Khi đến Việt Nam cũng như các quốc gia khác, tôi luôn tâm niệm, mình là một đầu bếp ngoại quốc, mang theo nguyên liệu và phải sử dụng những nguyên liệu đó để chế biến món ăn theo gu thưởng thức của người bản địa. Tôi đã dành nhiều thời gian tìm hiểu rồi kết hợp nhiều yếu tố, từ nguyên liệu, cách chế biến, khẩu vị... mới có thể trình làng một món ăn phù hợp với mùi vị địa phương.

* Nhưng trong số các kênh truyền hình mà K+ cung cấp, thiếu hẳn những kênh truyền hình địa phương?

- Xin lỗi! Một đầu bếp mới và lại là người ngoại quốc thì làm sao có thể nhanh chóng nấu được hết các món “đặc sản” của địa phương? Nói như vậy không có nghĩa là tôi không biết đó là thiếu sót đâu nhé. Tôi cẩn trọng trong mọi việc nên làm gì cũng tiến hành từng bước. K+ vừa cung cấp thêm 13 kênh truyền hình địa phương cho các thuê bao của mình, nhưng giá cước không đổi. Chúng tôi sẽ cố gắng thêm!

 

 

Phép thử khách hàng

* Nhưng các kênh truyền hình địa phương mà K+ vừa thêm vào đều là kênh miễn phí?

- Dù là miễn phí hay có thu phí, K+ đều cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định về bản quyền truyền hình. Tôi nhận thấy một điều khá bất thường trong việc kinh doanh truyền hình trả tiền ở Việt Nam. Đó là, một số nhà cung cấp làm “rất tốt” việc thu tiền bản quyền của người dùng, nhưng ngược lại, đối với việc tôn trọng bản quyền của những nhà cung cấp nội dung thì có vẻ như họ đang “tranh thủ” được chút nào hay chút ấy. Điều này dẫn đến kết quả khán giả sẽ là người chịu thiệt thòi vì thông tin về quyền lợi khách hàng không rõ ràng, chất lượng dịch vụ không ổn định như cam kết ban đầu.

* Ông đang nói thiệt thòi về phía khán giả?

- Nạn nhân của việc bị ăn cắp bản quyền, từ nghệ sĩ, nhà sản xuất phim đến câu lạc bộ thể thao và nhà cung cấp bản quyền..., bị thiệt hại là chuyện đương nhiên. Tôi đang nói đến sự thiệt thòi của khán giả, bởi họ mất tiền nhưng lại phải xem chương trình tiếp sóng “lậu”.

Làm việc với nhân viên

Nhiều quyền lợi khác, chẳng hạn như đảm bảo về mặt nội dung là không có. Cụ thể, trẻ em Việt Nam đang xem những bộ phim hoạt hình có tính bạo lực, có yếu tố “người lớn” trên kênh dành riêng cho chúng. Hiện cơ quan quản lý lĩnh vực truyền hình trả tiền hình như là Bộ Thông tin - Truyền thông, nhưng họ lại có quá nhiều việc phải làm, nên không quán xuyến hết được.

* Nhưng tôn trọng bản quyền quá như K+ lại khiến người dùng phải trả phí cao hơn, đúng không thưa ông?

- Giá bản quyền các chương trình thể thao, nhất là bóng đá, đang tăng, khác xa so với những năm trước. Chỉ riêng giải Ngoại hạng Anh, giá bản quyền đã tăng đến ba, bốn lần so với mùa giải trước đó. Thế nhưng, tôn trọng bản quyền vẫn là chuyện phải làm vì đó là xu hướng phát triển của Việt Nam khi hội nhập với thế giới. Và tôi cũng được biết, người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng trả tiền cho một dịch vụ truyền hình chất lượng và ổn định.

* K+ có cước thuê bao cao, lại ra mắt trong bối cảnh đã có khá nhiều đơn vị khai thác truyền hình trả tiền hoạt động tại Việt Nam. Ông có bị áp lực?

- Hiện thị trường Việt Nam chỉ mới có các nhà cung cấp truyền hình cáp. K+ là nhà cung cấp truyền hình vệ tinh duy nhất tại Việt Nam. Ban đầu tôi cũng thấy đây là một thử thách, nhưng nếu so sánh, rõ ràng Việt Nam đã có kế hoạch chào đón truyền hình vệ tinh khi đưa Vinasat 1 vào sử dụng và sắp tới là Vinasat 2 dự kiến sẽ được phóng vào năm 2012. Một thiết bị thu phát sóng ở mỗi nhà vẫn tốt hơn là mạng lưới cáp quang dày đặc khắp cả nước. Tôi tự tin, nhưng nói vậy không có nghĩa là phủ nhận tất cả. Vẫn còn nhiều thách thức mà chúng tôi phải vượt qua, nhưng đối với những người làm kinh doanh, đó là điều đương nhiên.

* Nhưng đối tác chính của ông là VTV/VCTV, cũng là đơn vị cung cấp truyền hình trả tiền. Đây là mối quan hệ vừa hợp tác, vừa cạnh tranh chăng?

- Điều đó không sai! Chúng tôi liên doanh với Đài Truyền hình Việt Nam và họ phân ra hai mảng riêng biệt, mảng truyền hình cáp giao cho VCTV, mảng truyền hình vệ tinh giao cho K+. Như vậy, chúng tôi như hai đứa con cùng mẹ, được hưởng chung quyền lợi chăm sóc nhưng vẫn phải tự thân vận động để phát triển và cạnh tranh trên thị trường!

* Nghĩa là vẫn có nhiều rủi ro?

- Đương nhiên rồi! Truyền hình vệ tinh đòi hỏi phải chuẩn bị cơ sở vật chất khá nhiều. Chúng tôi đã đổ một số vốn không nhỏ vào Việt Nam và dự kiến phải mất đến 5 năm mới có thể hoàn vốn. Hiện nay, số đông người Việt ở nông thôn vẫn xem thuê bao truyền hình là xa xỉ. Tôi chấp nhận rủi ro.

* Chấp nhận rủi ro nhưng việc phân chia khách hàng theo ba gói cước của ông vẫn được xem là thận trọng quá đáng?

- Tôi từng chứng kiến khách hàng ban đầu thuê gói cước thấp nhất, sau lại đổi lên gói trung bình và sau nữa là gói cao cấp với số lượng kênh nhiều nhất. Chính khách hàng cũng không biết hết nhu cầu của họ, nên phải cho họ có quyền lựa chọn và thay đổi lựa chọn bất kỳ lúc nào.

Yêu từng góc đẹp

* Hình như khi tham gia liên doanh VSTV ông cũng đồng thời chấm dứt nhiệm kỳ ở Tập đoàn Canal+?

- Thực sự tôi muốn toàn tâm cho dự án này nên chấp nhận rời bỏ chức vị Tổng giám đốc Tập đoàn. Quá trình chuẩn bị cho dự án kéo dài vô tình đã tạo chất kết nối giữa tôi với dự án. Tôi không muốn theo dõi nó từ xa. Như một người bố, tôi muốn từng ngày nhìn ngắm đứa con mình lớn lên!

* Ông gắn bó với “đứa con” VSTV mà bỏ quên ba con ruột của mình ở Pháp?

- Các con tôi đều đã trưởng thành. Chúng có cuộc sống riêng nên vợ chồng tôi phải tôn trọng và rời xa để chúng phát triển độc lập, không lệ thuộc. Tuy ở xa nhau nhưng mỗi dịp cuối năm, các thành viên trong gia đình tôi đều quây quần tại Việt Nam.

* Tại Hà Nội?

- Mỗi năm chúng tôi chọn một điểm đến mới để có thêm trải nghiệm về Việt Nam. Cuối năm 2009 vừa qua, chúng tôi nghỉ cùng nhau ở Nha Trang. Đó là quãng thời gian dễ chịu, đẹp và ấn tượng nhất của gia đình chúng tôi. Lần đầu tiên trong đời, chúng tôi được tắm biển trong dịp lễ Giáng sinh. Không cần nói chắc mọi người cũng biết vì sao: Paris mùa đông chỉ có tuyết trắng!

* Có cần phải so sánh cho ông thấy hình ảnh của cuộc sống thường ngày rất khác với những kỳ nghỉ?

- Tôi biết, cuộc sống thường ngày của tôi vẫn đối diện với khói bụi, ô nhiễm và bây giờ là kẹt xe..., nhưng cần biết rằng, ở bất kỳ môi trường nào cũng phải đối diện với vài thứ làm mình không hài lòng. Nếu nói đến kẹt xe thì chắc chắn ở Paris kẹt xe còn khủng khiếp hơn Hà Nội. Chẳng có nơi nào hoàn toàn tuyệt hảo, trừ thiên đường, mà nơi đó thì chúng ta chưa từng biết đến. Thế nên, hãy tập thích ứng với môi trường sống!

* Cụ thể, ông làm thế nào để có thể thích ứng với Hà Nội?

- Muốn tận hưởng không khí trong lành, mỗi sáng tôi đạp xe quanh Hồ Gươm. Hà Nội buổi sáng tinh mơ đẹp và hiền hòa lắm! Tôi tập đi xe máy để khi chiều về, tôi có thể đón vợ rồi cùng rong ruổi một chút như người Việt. Hai vợ chồng cùng thích món ăn Việt Nam và có cái thú ngồi thưởng thức đồ ăn, thức uống ở vỉa hè. Tôi tin, cứ trải lòng, cứ đón nhận, ắt sẽ nhận được những điều mình mong muốn!

* Và ông nhận được gì từ Việt Nam?

- Sự đón nhận! Đó là thứ quý giá nhất, không chỉ với tôi mà cả vợ tôi khi cô ấy đồng hành cùng tôi đến Việt Nam. Vợ tôi là một nghệ sĩ, tâm hồn khá nhạy cảm. Hiện cô ấy rất hài lòng khi tiếp xúc với nghệ thuật làm gốm, chăm sóc cây cảnh... tại Việt Nam.

* Sống với một người nhạy cảm, chắc ông phải rất lãng mạn?

- Tôi thực sự biết ơn vợ tôi vì sự hy sinh của cô ấy. Từ khi lấy nhau, cô ấy đã phải học cách sống với một người bận rộn để được đồng hành cùng tôi. Bù lại, bản thân tôi cũng phải biết cư xử đúng mực với người phụ nữ của mình. Còn lãng mạn ư? Không có một định nghĩa cụ thể về tính từ này, chỉ biết, tôi vẫn luôn tìm những khía cạnh đẹp nhất của sự việc, hiện tượng để quan sát. Tôi yêu những con đường, tôi thích ngắm nhìn các cô gái trên phố... Nói chung, tôi yêu từng góc đẹp của cuộc sống này!

(Theo Doanh Nhân Sài Gòn)

 

Related Articles

Chat Zalo