Trung tâm đào tạo thiết kế vi mạch Semicon


  • ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN ĐỂ TRUY CẬP NHIỀU TÀI LIỆU HƠN!
  • Đăng ký
    *
    *
    *
    *
    *
    Fields marked with an asterisk (*) are required.
wafer.jpg

Chiến thắng sau thời gian thử việc

  
     Lần đầu bước vào một môi trường làm việc mới, rất nhiều điều còn bỡ ngỡ. Những khuôn mặt xa lạ, những cái nhìn dò xét, những thách thức đang chờ đợi bạn ở phía trước trong 60 ngày thử việc. Trong thời gian này những câu hỏi liên tiếp được đặt ra trong đầu : Học cái gì? Làm cái gì? Tạo mối quan hệ như thế nào?.. vv... và.. vv?.
 
 Làm thế nào để vượt qua khoảng thời gian không quá dài nhưng cũng không phải là ngắn để được cầm trên tay bản hợp đồng chính thức?

Tạo mối quan hệ với đồng nghiệp, làm quen với môi trường làm việc

Nếu như bạn được làm việc trong một công ty lớn thì hãy đặt mục tiêu trong 10 ngày đầu tiên bạn phải làm quen với tất cả những đồng nghiệp cùng phòng và những phòng ban trực tiếp liên quan đến công việc của bạn. Không chỉ là bạn nhớ đến họ mà còn làm cho họ -những đồng nghiệp phải nhớ đến mình. Điều này không đơn giản nhưng cũng không phải là quá khó. Ví dụ như bạn nên nhiệt tình làm việc, tạo không khí cởi mở, vui vẻ trong phòng, hòa đồng và kết bạn với nhiều người. Chính việc làm này sẽ làm cho đồng nghiệp luôn nhớ đến bạn dù cho bạn chỉ là nhân viên mới.

Thời gian 2 tháng có thể là quá ngắn để bạn hiểu sâu về công việc mình được giao. Điều này không quan trọng, cốt lõi là bạn nên tìm hiểu công việc cần làm và làm tốt những gì được giao, có thể chưa hiểu sâu nhưng nhất thiết là cần hiểu mình đang làm gì và làm như thế nào? Trong khoảng thời gian này, bạn nên học hỏi nhiều từ người đi trước, không nên ngại hỏi vì ai cũng biết 2 tháng đầu thường là khoảng thời gian để học tập kinh nghiệm. Hãy luôn đặt cho mình câu hỏi: Sẽ thu được kiến thức gì sau 2 tháng thử việc.

Bắt tay vào công việc

2 tháng thử việc sẽ giúp bạn học hỏi nhiều từ người đi trước nhưng cũng không vì thế mà bạn ỷ lại hoặc dựa dẫm vào họ. Đây là khoảng thời gian mà sếp sẽ xem xét thái độ làm việc cũng như khả năng tiếp thu những kiến thức mới của bạn.

Hãy coi những việc như: tiếp khách hàng, hội nghị, làm thêm? thậm chí cả những việc xảy ra ngoài ý muốn như tranh luận với đồng nghiệp hay pha trà, quét nhà.... đều là cơ hội để bạn chứng tỏ khả năng của mình. Làm việc một cách nhiệt tình, không đòi hỏi là cách làm duy nhất để bạn ghi điểm đối với cấp trên. Có thể bạn làm chưa tốt hoặc chưa đúng, nhưng biết cách khắc phục đề lần sau làm tốt hơn sẽ chứng tỏ bạn là nhân viên làm việc chuyên nghiệp. Nếu như trong khoảng thời gian này, bạn được yêu cầu làm thêm thì cũng không nên băn khoăn, điều đó chứng tỏ năng lực của bạn đã được công nhận và bạn rất phù hợp với công việc hiện tại của mình.

Biểu hiện tốt

Trong khoảng thời gian 60 ngày, không đủ để đánh giá hết tính cách của nhân viên nhưng những biểu hiện của bạn trong khoảng thời gian này cũng đủ để cấp trên đánh giá thái độ làm việc cũng như thái độ của bạn đối với đồng nghiệp khác. Bất kỳ cơ quan nào cũng đánh giá cao những nhân viên có thái độ tốt như: Thật thà, chăm chỉ, ham học hỏi?

Chăm chỉ làm việc, ham học hỏi phải được phát huy một cách tối đa trong thời gian thử việc. Không ai lại giữ lại một nhân viên đã lười biếng lại còn không chịu học hỏi bao giờ. Nếu công việc không thể hoàn thành trong ngày hôm nay thì bạn có thể đề nghị làm thêm giờ. Có gì không hiểu, bạn có thể đi hỏi người khác. Đừng vì ngại che dấu những lỗ hổng kiến thức mà không hoàn thành được công việc được giao.

Cũng không nên nghĩ : công sở chỉ có làm việc. Hãy coi phòng làm việc như gia đình của bạn, ngoài làm việc một cách nghiêm túc, bạn còn nên dọn dẹp, sửa sang lại chỗ làm việc của mình và quan tâm đến những đồng nghiệp xung quanh. Làm như vậy bạn sẽ tạo được ấn tượng tốt về cách làm việc chuyên nghiệp và biết quan tâm đến người khác.

Đối phó với chuyện "thị phi"

Bạn là nhân viên mới, bị nhân viên cũ nhòm ngó rồi bàn tán là một việc hết sức bình thường. Mỗi việc làm của bạn đều được thêu dệt bằng những câu chuyện mà đến bạn cũng lấy làm bất ngờ vì nội dung không có thực của nó. Những lúc như vậy, bạn cảm thấy rất tức giận nhưng hãy luôn bình tĩnh để tìm hiểu nguyên nhân của nó.

Công sở cũng là một xã hội thu nhỏ, ở đó cũng có người xấu, người tốt, người thông cảm nhưng cũng có người không thông cảm cho những nhân viên thử việc như bạn. Nếu như, trong 2 tháng thử việc mà bạn đã bị nói xấu thì điều đầu tiên nên làm là đi tìm nguyên nhân đích thực của nó. Không nên vừa nghe có người nói xấu mình là bạn làm toáng lên, như vậy sẽ mất điểm trong mắt những đồng nghiệp của mình.

Bạn hãy tìm người đưa ra thông tin đấy, rồi hỏi cho rõ vì sao họ làm như vậy. Nên có một thái độ ôn hòa, nhã nhặn, nếu thực sự thấy mình có khuyết điểm thì cố gắng sửa chữa, còn nếu đó chỉ là những lời vu khống thì bạn cũng phải nói rõ với người gây "tai họa" ý kiến của mình và yêu cầu họ cải chính. Nhưng hãy nhớ là mọi việc đều được giải quyết trong "hòa bình và hữu nghị".

Ở lại hay ra đi

Trong thời gian thử việc, ở lại làm việc hay không cũng hoàn toàn do bạn quyết định. Nếu như đó là một môi trường làm việc tốt, bạn sẽ luôn cố gắng để được ở lại, còn nếu sau 2 tháng thử việc, bạn thấy không phù hợp với công việc hiện tại, bạn vẫn có quyền để ra đi.

Dù có quyết định ở lại hay ra đi, bạn cũng nên tạo ấn tượng tốt với đồng nghiệp và cấp trên bằng tinh thần làm việc của mình. Bởi vì đây cũng là một cơ hội để bạn có thể học hỏi, trau dồi thêm kiến thức của mình, điều này cũng rất cơ lợi khi bạn sang làm việc tại một công ty khác.
 
(Theo dddn.com )
 

Related Articles

Chat Zalo